Tin VLA – Công ty LOGISTICS 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam
VỀ VIỆC CHO PHÉP THÀNH LẬP CÔNG TY 100% VỐN NƯỚC NGOÀI TRONG KINH DOANH DỊCH VỤ LOGISTICS TẠI VIỆT NAM
Vừa qua, có nhiều thông tin trên báo chí cho rằng năm 2014, tức là 7 năm sau khi Việt Nam gia nhập WTO, thị trường Logistics của Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn. Qua đó đã gây không ít khó khăn cho Hiệp hội VLA và các doanh nghiệp kinh doanh logistics của Hiệp hội trong việc hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài nhằm phát triển ngành dịch vụ logistics của Việt Nam.
Vấn đề này cần được hiểu đúng như sau, nhất là các Ủy viên BCH VLA và lãnh đạo các doanh nghiệp hội viên VLA.
1- Dịch vụ logistics theo định nghĩa của Luật Thương mại, 2005, của Việt Nam, bao gồm nhiều hoạt động. Do đó nhiều văn bản pháp luật của Việt Nam điều chỉnh, trong đó có các cam kết trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Các cam kết của Việt Nam về thương mại dịch vụ trong WTO và ASEAN không có một mục riêng về ngành dịch vụ logistics mà chỉ có một số hoạt động (phân ngành) của ngành dịch vụ logistics. Việc thực hiện cam kết ngành và từng phân ngành dịch vụ cụ thể phải được tiến hành đầy đủ cả ba phần : Phần cam kết chung, Cam kết cụ thể cho từng ngành và Danh mục miễn trừ đối xử tối huệ quốc.
Vì vậy, hiện nay không thể nói có cho phép các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài được kinh doanh dịch vụ logistics một cách chung chung mà phải xem xét từng hoạt động logistics cụ thể.
2- Các cam kết trong WTO của Việt Nam có liên quan trực tiếp đến ngành dịch vụ logistics gồm:
– Ngành dịch vụ vận tải, bao gồm Dịch vụ vận tải biển, Dịch vụ vận tải đường thủy nội địa, Dịch vụ vận tải hàng không, Dịch vụ vận tải đường sắt, Dịch vụ vận tải đường bộ và Dịch vụ hỗ trợ mọi phương thức vận tải.
– Dịch vụ thông tin có phân ngành Các dịch vụ chuyển phát (CPC7512) .
A- Dịch vụ vân tải biển: được chia làm:
–Dịch vụ vận tải biển bao gồm dịch vụ vận tải hành khách, trừ vận tải nội địa (CPC 7211), quy định “…Sau năm năm kể từ ngày gia nhập (2007), các công ty vận tải biển nước ngoài có thể thành lập doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài”.
–Các dịch vụ hỗ trợ vận tải biển, gồm:
–Dịch vụ xếp dỡ container (CPC 7411): …”có thể thành lập liên doanh trong đó vốn góp của phía nước ngoài không quá 50% kể từ khi gia nhập”. Như vậy, hiện nay vẫn phải liên doanh.
–Dịch vụ thông quan: …”kể từ ngày gia nhập có thể thành lập liên doanh trong đó tỷ lệ vốn góp của phía nước ngoài không quá 51%. Sau năm năm, cho phép thành lập liên doanh trong đó không hạn chế vốn sở hữu của phía nước ngoài”.
–Dịch vụ kho bãi container: …”ngoại trừ kể từ ngày gia nhập có thể thành lập liên doanh trong đó tỷ lệ vốn góp của phía nước ngoài không quá 51%. Bảy năm sau khi gia nhập, không hạn chế”
B- Dịch vụ vận tải đường thủy nội địa: “Kể từ ngày gia nhập, nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài chỉ được phép cung cấp dịch vụ thông qua việc thành lập liên doanh …với phần vốn góp của phía nước ngoài không vượt quá 49% tổng vốn pháp định”.
C- Dịch vụ vận tải hàng không: Trong đó có Dịch vụ bảo dưỡng và sửa chữa máy bay (CPC 8868) : “Kể từ ngày gia nhập, cho phép thành lập liên doanh trong đó phần vốn góp của phía nước ngoài không được vượt quá 51%. Sau năm năm kể từ khi gia nhập, cho phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài.
E- Dịch vụ vận tải đường sắt: ..”ngoại trừ các nhà cung cấp nước ngoài được cung cấp dịch vụ vận tải hàng hóa thông qua việc thành lập liên doanh với đối tác Việt Nam trong đó phần vốn góp của phía nước ngoài không được vượt qua 49% tông vốn pháp định”.
F- Dịch vụ vận tải đường bộ: “Kể từ ngày gia nhập, các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được cung cấp dịch vụ vận tải hàng hóa và vận tải hành khách thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc liên doanh trong đó tỷ lệ vốn góp của phía nước ngoài không được vượt quá 51%”. “100% lái xe của liên doanh phải là công dân Việt Nam”.
H– Dịch vụ hỗ trợ mọi phương thức vận tải:
a) Dịch vụ xếp dỡ côngtenơ, trừ dịch vụ cung cấp tại các sân bay (một phần của CPC 7411):”Kể từ ngày gia nhập, chỉ cho phép các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài cung cấp dịch vụ thông qua liên doanh với đối tác Việt Nam trong đó tỷ lệ vốn góp của phía nước ngoài không quá 50%.”
b) Dịch vụ kho bãi (CPC 742) và c) Dịch vụ đại lý vận tải hàng hóa (Freight transport agency service) (CPC748- Bao gồm cả dịch vụ giao nhận hàng hóa. Các dịch vụ này bao gồm các hoạt động tổ chức và điều hành các hoạt đông chuyên chở hàng hóa thay mặt người gửi hàng thông qua việc tìm kiếm dịch vụ vận tải và các dịch vụ liên quan, chuẩn bị chứng từ và cung cấp thông tin kinh doanh): “Không hạn chế, ngoại trừ kể từ ngày gia nhập cho phép thành lập liên doanh trong đó tỷ lệ vốn nước ngoài không được vượt quá 51%. Sau bảy năm kể từ khi gia nhập: không hạn chế.” Trong bản tiếng Anh ghi “không hạn chế” là “: none”. Như vậy được hiểu rằng sau 7 năm, nghĩa là năm 2014, doanh nghiệp nước ngoài được thành lập công ty 100% vốn cho hai loại hình dịch vụ này.
Tại công văn số 9258/BCT-KH ngày 19/9/2014 của Bộ Công thương gửi Văn phòng Chính phủ trả lời đối với các dịch vụ logistics Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã đề cập tại Công văn số 4057/UBND-ĐT đã khẳng định là đối với dịch vụ kho bãi (CPC 742), đại lý vận tải hàng hóa (CP 748) “Biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam trong WTO quy định về lộ trình mở cửa thị trường Không hạn chế, ngoại trừ khi gia nhập cho phép thành lập liên doanh với phần vốn góp của nước ngoài không vượt quá 51%. Sau 7 năm kể từ ngày gia nhập: không hạn chế. Theo cam kết nêu trên, hạn chế về thành lập liên doanh và hạn chế về tỷ lệ vốn nước ngoài sẽ được xóa bỏ sau 7 năm kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO”
Đối với dịch vụ đại lý vận tải hàng hóa, theo quy định tại Điểm 6, Khoản 3, Điều 5 Nghị định số 140/2007/NĐ-CP ngày 5/9/2007 thì “nhà đầu tư nước ngoài được thành lập công ty liên doanh, trong đó tỷ lệ vốn của nhà đâu tư nước ngoài không quá 51% và kể từ năm 2014, được thành lập công ty liên doanh không hạn chế tỷ lệ vốn góp của nhà đâu tư nước ngoài”. Như vậy, hiện nay, quy định của Nghị định nói trên đối với dịch vụ đại lý vận tải hàng hóa là chưa phù hợp với quy định của Biểu cam kết dịch vụ trong WTO. Theo Nghị quyết số 71/2006/QH11 ngày 29/11/2006 của Quốc hội phế chuẩn Nghị định thư gia nhập Hiệp định thành lập tổ chức Thương mại thế giới (WTO) của Việt Nam quy định : “Trong trường hợp quy định của pháp luật Việt Nam không phù hợp với quy định của Hiệp định này, Nghị định thư và các tài liệu kèm theo thì áp dụng quy định của Hiệp định thành lập Tổ chức thương mại thế giới, Nghị định thư và các tài liệu đính kèm”. Như vậy, quy định trong Nghị định 140/2007/NĐ-CP về việc thành lập công ty kinh doanh dịch vụ đại lý vận tải hàng hóa sẽ không còn phù hợp với quy định của Biểu cam kết trong WTO. tức là đến nay cho phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài kinh doanh dịch vụ đại lý vận tải.
d) Các dịch vụ khác (một phần của CPC 749) – bao gồm các hoạt động sau: kiểm tra vận đơn, dịch vụ môi giới vận tải hàng hóa, giám định hàng hóa, dịch vụ lấy mẫu và xác định trong lượng, dịch vụ nhận hàng và chấp nhận, dịch vụ chuẩn bị chứng từ vận tải. Các dịch vụ này được thực hiện thay mặt chủ hàng- : “Kể từ ngày gia nhập, các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài chỉ được cung cấp dịch vụ thông qua thành lập liên doanh với đối tác Việt Nam trong đó phần vốn nước ngoài không quá 49%. Sau ba năm kể từ ngày gia nhập, hạn chế này sẽ là 51%. Bốn năm sau đó, hạn chế về vốn này sẽ được bãi bỏ” Theo cam kết trên, hạn chế về tỷ lệ vốn nước ngoài trong liên doanh được xóa bỏ sau 7 năm kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO, tuy nhiên điều kiện về thành lập liên doanh vẫn tiếp tục được áp dụng. Công văn trên của Bộ Công thương cũng xác nhận như vậy.
Kết luận: Đến nay (tháng 1/2015) trong các cam kết quốc tế của Việt Nam (WTO) chỉ có các phân ngành dịch vụ logistics sau đây là được thành lập Doanh nghiêp 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam: Dịch vụ vận tải biển (trừ vận tải nội địa) (CPC7211), Dịch vụ kho bãi (CPC 742), Dịch vụ đại lý vận tải hàng hóa (Freight transport agency service) (CPC748), Dịch vụ bảo dưỡng và sửa chữa máy bay (CPC 8868) và Các dịch vụ chuyển phát (CPC7512) .
Lưu ý là hiện nay, giữa một số Bộ , ngành có liên quan, địa phương chưa hiểu thống nhất về các quy định của Các cam kết của Việt Nam liên quan đến dịch vụ logistics trong WTO.
(Nguồn: Biểu cam kết cụ thể cho từng ngành của Việt Nam trong WTO)
3- Dịch vụ hỗ trợ vận tải biển chưa cam kết trong WTO:
Gồm dịch vụ Đại lý tàu biển và Dịch vụ lai dắt tàu biển được điều chỉnh bằng Nghị định số 30/2014/NĐ-CP ngày 14/4/2014. Đây là các dịch vụ kinh doanh có điều kiện.
Cả hai dịch vụ này quy định: Tổ chức, cá nhấn nước ngoài được thành lập công ty liên doanh kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển và kinh doanh dịch vụ lai dắt, trong đó tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 49% tổng số vốn điều lệ của doanh nghiệp.
(Nguồn: Nghị định số 30/2014/NĐ-CP ngày 14/4/2014)