Chuẩn bị ban hành Biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu ưu đãi thực hiện CPTPP

|

Vào cuối tuần qua, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức được công bố có hiệu lực tại Tokyo, Nhật Bản. Cùng thời điểm này, Bộ Tài chính Việt Nam đã hoàn thành việc soạn thảo Nghị định của Chính phủ về Biểu thuế XK ưu đãi, Biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định CPTPP trong giai đoạn 2019-2022 để xin ý kiến rộng rãi.

Dự thảo Biểu thuế XK ưu đãi gồm 519 dòng thuế. Thuế suất trung bình năm 2019 là 19,1%; năm 2020 là 17,4%; năm 2021 là 15,7%; năm 2022 là 14,1%.

Ưu đãi 519 dòng thuế XK

Theo cơ quan soạn thảo, để triển khai thực hiện cam kết về thuế XK, thuế NK của Việt Nam theo Hiệp định CPTPP, thực hiện theo quy định của Điều 11 Luật Thuế XK, thuế NK 2016 về thẩm quyền ban hành biểu thuế, thuế suất, Bộ Tài chính cần xây dựng và ban hành Nghị định Biểu thuế XK ưu đãi, Biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt của Việt Nam theo từng giai đoạn, trước mắt là cho giai đoạn từ ngày 14/1/2019 đến hết ngày 31/12/2022. Việc xây dựng và ban hành Nghị định là cần thiết để thực thi cam kết quốc tế, đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật và phù hợp với Luật Thuế XK, thuế NK năm 2016.

Cụ thể, dự thảo Biểu thuế XK ưu đãi gồm 519 dòng thuế. Thuế suất trung bình năm 2019 là 19,1%; năm 2020 là 17,4%; năm 2021 là 15,7%; năm 2022 là 14,1%.

Trong cam kết tại Hiệp định CPTPP, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế XK đối với phần lớn các mặt hàng hiện đang áp dụng thuế XK, cơ bản theo lộ trình từ 5-15 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực. Một số nhóm mặt hàng quan trọng như than đá, dầu mỏ và một số loại quặng, khoáng sản (70 mặt hàng) được tiếp tục duy trì thuế XK. Về thuế NK, Việt Nam cam kết xóa bỏ gần 100% số dòng thuế, theo đó 65,8% số dòng thuế có thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực; 86,5% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 4 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực; 97,8% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 11 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực; các mặt hàng còn lại cam kết xoá bỏ thuế NK với lộ trình xóa bỏ thuế tối đa vào năm thứ 16 hoặc theo hạn ngạch thuế quan.

Thuế suất cho giai đoạn 2019-2022, áp dụng quy định của Hiệp định vào thực tế, Mexico thông báo sẽ áp dụng thời điểm cắt giảm thuế lần đầu tiên vào ngày Hiệp định có hiệu lực đối với Việt Nam (14/1/2019). Các nước Australia, Canada, Nhật Bản, New Zealand, Singapore thông báo áp dụng thời điểm cắt giảm thuế lần đầu tiên vào ngày Hiệp định có hiệu lực đối với các nước này (30/12/2018). Trên cơ sở đó, lộ trình cắt giảm thuế của Việt Nam sẽ áp dụng cho 2 nhóm nước: (i) Mexico áp dụng thuế suất theo lộ trình cắt giảm bắt đầu năm thứ nhất; (ii) Các nước Australia, Canada, Nhật Bản, New Zealand, Singapore áp dụng thuế suất theo lộ trình cắt giảm bắt đầu năm thứ hai.

Bộ Tài chính dự kiến đặt ra điều kiện áp dụng thuế suất thuế XK ưu đãi theo Hiệp định CPTPP là có chứng từ vận tải và tờ khai NK thể hiện đích đến thuộc lãnh thổ các nước trên. Yêu cầu cung cấp chứng từ vận tải và tờ khai NK nhằm mục đích đảm bảo kiểm soát được hàng hóa thực tế được NK vào lãnh thổ các nước theo quy định do quy trình XK không áp dụng được chứng nhận xuất xứ (C/O) như trường hợp NK. Trên thực tế, tại thời điểm làm thủ tục hải quan, hàng hóa XK thường chưa có các chứng từ vận tải và tờ khai NK thể hiện đích đến như quy định, do đó Nghị định quy định tại thời điểm này, hàng hóa áp dụng mức thuế suất quy định tại Biểu thuế XK hiện hành (không phải thuế suất ưu đãi) sau khi nộp chứng từ vận tải theo quy định thì được cơ quan quản lý thuế xử lý tiền thuế nộp thừa theo quy định của Luật Quản lý thuế (Điều 47) và các điều khoản hướng dẫn thi hành.

Ngoài ra, tại thời điểm làm thủ tục hải quan, hàng hóa XK áp dụng mức thuế suất quy định tại Biểu thuế XK theo Danh mục mặt hàng chịu thuế tại Nghị định số 125/2017/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP của Chính phủ về Biểu thuế XK, Biểu thuế NK ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế NK ngoài hạn ngạch thuế quan (Nghị định số 125) và các văn bản sửa đổi, bổ sung. Trường hợp hàng hóa XK có mức thuế XK ưu đãi thấp hơn mức thuế suất thuế XK của mặt hàng tương ứng quy định tại Nghị định số 125 thì được áp dụng mức thuế suất thuế XK ưu đãi.

Trong vòng 1 năm kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan, người khai hải quan nộp chứng từ vận tải và bản sao tờ khai NK thì được cơ quan quản lý thuế xử lý tiền thuế nộp thừa theo quy định của pháp luật hiện hành. Thời hạn nộp chứng từ vận tải và bản sao tờ khai NK không được quy định cụ thể trong Hiệp định CPTPP. Thời hạn 1 năm như đề xuất nói trên là tương đồng với thời hạn 1 năm để nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ (C/O) để hưởng ưu đãi thuế trong NK theo cam kết trong CPTPP và thời hạn nộp chứng từ C/O tối đa theo quy định của pháp luật hiện nay.

Đối với trường hợp hàng hóa XK không thuộc Biểu thuế XK theo Danh mục mặt hàng chịu thuế tại Nghị định số 125 hoặc hàng hóa XK có mức thuế suất thuế XK ưu đãi bằng hoặc cao hơn mức thuế suất thuế XK của mặt hàng tương ứng quy định tại Nghị định số 125 thì không áp dụng thuế suất thuế XK ưu đãi.

Sử dụng thuế hỗn hợp với ô tô cũ

Đối với thuế NK, Biểu thuế NK gồm 10.216 dòng thuế theo cấp độ 8 số và 1.442 dòng thuế được chi tiết theo cấp độ 10 số. Thuế suất trung bình năm 2019 là 9,1%; năm 2020 là 7,7%; năm 2021 là 6,3%; năm 2022 là 4,8%.

Về nguyên tắc áp dụng, tương tự như với thuế XK, thuế suất thuế NK áp dụng cho giai đoạn 2019-2022 cho phép Mexico áp dụng thuế suất theo lộ trình cắt giảm bắt đầu từ năm thứ nhất; các nước Australia, Canada, Nhật Bản, New Zealand, Singapore áp dụng thuế suất theo lộ trình cắt giảm bắt đầu từ năm thứ hai. Đối với hàng hóa từ khu phi thuế quan của Việt Nam NK vào thị trường trong nước, để đảm bảo lợi ích cho các doanh nghiệp trong khu phi thuế quan của Việt Nam, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng lộ trình bắt đầu từ năm thứ hai (như áp dụng đối với các nước Australia, Canada, Nhật Bản, New Zealand, Singapore). Điều kiện áp dụng thuế NK ưu đãi đặc biệt được thực hiện theo Hiệp định CPTPP.

Bên cạnh việc đưa ra dự thảo Biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt thực hiện Hiệp định CPTPP, Bộ Tài chính còn dự kiến Danh mục hàng hóa và thuế NK ưu đãi đặc biệt đối với xe ô tô đã qua sử dụng áp dụng hạn ngạch thuế quan để thực hiện Hiệp định CPTPP.

Quy định về nội dung này, dự thảo của Bộ Tài chính nêu rõ công thức tính thuế NK ưu đãi đặc biệt đối với mặt hàng xe ô tô đã qua sử dụng thuộc các nhóm 87.02, 87.03, 87.04 áp dụng hạn ngạch thuế quan. Cụ thể, đối với mặt hàng xe ô tô đã qua sử dụng NK trong lượng hạn ngạch thuế quan thực hiện Hiệp định CPTPP, thuế NK ưu đãi đặc biệt là mức thuế hỗn hợp bao gồm: Mức thuế suất (%) và mức thuế tuyệt đối của xe ô tô đã qua sử dụng quy định tại Danh mục hàng hóa và thuế NK ưu đãi đặc biệt tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan. Số tiền thuế áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp đối với mặt hàng xe ô tô đã qua sử dụng = X + Y, trong đó X là giá tính thuế xe ô tô đã qua sử dụng theo quy định của pháp luật nhân (x) với mức thuế suất của dòng thuế xe ô tô đã qua sử dụng cùng loại tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan; Y là mức thuế tuyệt đối của xe ô tô đã qua sử dụng tương ứng tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan.

Đối với mặt hàng xe ô tô đã qua sử dụng NK ngoài lượng hạn ngạch thuế quan thực hiện Hiệp định CPTPP, thuế NK được áp dụng tại Nghị định số 125/2017/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP của Chính phủ về Biểu thuế XK, Biểu thuế NK ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế NK ngoài hạn ngạch thuế quan và các văn bản sửa đổi, bổ sung.

Về hiệu lực, do Hiệp định CPTPP có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14/1/2019, khả năng Nghị định sẽ được Chính phủ ký ban hành sau ngày Hiệp định có hiệu lực, còn Bộ Tài chính dự thảo quy định về xử lý thuế đối với các tờ khai hải quan đăng ký từ ngày 14/1/2019 đến trước ngày Nghị định có hiệu lực thi hành nếu đáp ứng đủ điều kiện để được hưởng thuế XK ưu đãi, thuế NK ưu đãi đặc biệt quy định tại Nghị định này.

Nguồn báo Hải Quan Online

Liên hệ